(Dân trí) - Số lượng đĩa than bán ra đã chứng kiến một sự “phục hưng” gây kinh ngạc trong năm 2016 vừa qua.
Số lượng đĩa than bán ra tại thị trường âm nhạc lớn hàng đầu thế giới - Anh - đã chứng kiến một sự “phục hưng” gây kinh ngạc trong năm 2016 vừa qua, khi doanh số thu về từ đĩa than đạt mức cao nhất trong vòng 25 năm trở lại đây. Người yêu nhạc ở thế kỷ 21 đang say mê khám phá những điều thú vị từ việc nghe nhạc bằng những chiếc đĩa hát 30cm.
Nghe nhạc từ đĩa than vốn được xem là phương thức nghe nhạc đích thực đối với những đôi tai thính nhạy, tinh tế và là cách thức nghe nhạc yêu thích nhất đối với những người hoài cổ. Trong năm 2016 vừa qua, hơn 3,2 triệu đĩa than đã được bán ra tại Anh, tăng 53% so với năm 2015 và là năm có số lượng đĩa than bán ra cao nhất kể từ thời điểm 1991.
Việc nam ca sĩ người Anh David Bowie qua đời hồi tháng 1 năm nay đã khiến ông trở thành nghệ sĩ có số lượng đĩa than bán chạy nhất trong năm 2016 khi 5 album của ông đã xuất hiện trong top 30 đĩa than bán chạy nhất tại thị trường âm nhạc Anh.
Album “Blackstar” (2016) - album cuối cùng trong sự nghiệp của David Bowie - đã trở thành album ra mắt dưới dạng đĩa than bán chạy nhất trong năm. Ngoài ra, các album khác của David Bowie như “Hunky Dory” (1971), “The Rise And Fall Of Ziggy Stardust” (1972), “Nothing Has Changed” (2014)… tiếp tục được người hâm mộ tìm mua.
Đây đã là năm thứ 9 liên tiếp số lượng đĩa than bán ra tăng mạnh tại Anh. Con số 3,2 triệu là cả một sự gia tăng vượt bậc so với số lượng 200.000 đĩa than bán ra hồi năm 2007.
Dù đĩa than hiện vẫn là một thú chơi, một thú nghe nhạc chưa phổ biến rộng rãi, nhưng đã chiếm tới gần 5% thị phần album âm nhạc bán ra trên thị trường, theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Đĩa than Anh (BPI).
Có ít nhất 30 đĩa than đã được bán ra với số lượng hơn 10.000 bản trong năm 2016; năm 2015, chỉ có 10 đĩa than đạt được doanh số này.
Nền công nghiệp âm nhạc nói chung của Anh cũng có những sự tăng trưởng mạnh với tổng số 123 triệu album được tiêu thụ trên thị trường ở các hình thức đa dạng, như nhạc trực tuyến “streaming”, nhạc số “download”, đĩa hát… Con số này tăng 1,5% so với năm ngoái, giúp ngành công nghiệp âm nhạc Anh thu về ước tính 1 tỷ bảng Anh (gần 28.000 tỷ đồng).
Trong khi dịch vụ nghe nhạc trực tuyến và số lượng đĩa than bán ra đều chứng kiến sự gia tăng thì riêng số lượng đĩa CD tiêu thụ lại sụt giảm hơn 10%, dù vậy, theo giới chuyên môn, đây vẫn là định đạng đĩa hát có lượng tiêu thụ ổn định nhất theo thời gian.
Tất cả những tín hiệu này khiến những người trong nghề tin rằng đây là dấu hiệu đầy hứa hẹn cho một kỷ nguyên âm nhạc mới, khi các loại hình nghe nhạc ngày càng đang dạng, cùng song hành tồn tại, có những phân khúc thị trường riêng, đưa lại lợi nhuận thực sự từ việc thu âm cho nghệ sĩ.
Bích Ngọc
Theo Guardian/Daily Mail